Mảnh đất Quỳnh Nhai, một nét đẹp của vùng cao Tây Bắc, khiến cho không ít những nhà thơ nhà văn hay nhiếp ảnh gia tìm tới đây để chiêm ngưỡng, nhưng phải nói lôi cuốn nhất là các nhà sản xuất âm nhạc, những nhạc sĩ đa tài đã mượn xứ sở thần tiên này để khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tác, khiến Quỳnh Nhai như có hồn trong từng nốt nhạc.
Hễ bất kỳ ai lên vùng cao Tây Bắc hoặc đi khám phá Mộc Châu cũng phải một lần ghé thăm Quỳnh Nhai, mảnh đất tươi đẹp mang nhiều dáng vẻ hoang sơ khơi nguồn sáng tác… Quỳnh Nhai không chỉ đem lại những bức tranh đẹp, những bức ảnh vui mà còn đưa đến những bài ca chạy dài năm tháng.
Một lần đặt chân đến khu vực là trong đầu của những vị khách phương xa lại gợi lên từng lời ca tha thiết.
“Anh hãy về thăm quê em
Đất Quỳnh Nhai ở bên sông Đà
Rộn ràng trong nắng chiều bóng thuyền ai về bến mới
Trong nắng sớm rộn vang tiếng chày khua vui bản làng
Cuộc đời nay đã đổi thay không còn ngày xưa tăm tối
Ơn Đảng ơn Bác từ nay đất Quỳnh Nhai từ đi tới
Anh hãy cùng em chung say đất Quỳnh Nhai ngày thêm tươi đẹp
Bản Mường ta ấm no, mái trường vui cùng tiếng hát
Anh lên đất Mường Giôn bốn mùa hoa xanh ngập đời
Ngược dòng anh đến Mường Chiên ven sông tỏa mùi thơm cơm mới
Công trình kiến thiết ngày nay đêm có đường xe về quê em đấy
Những lối mòn xưa nay đã thành những con đường lớn
Núi Mường Chiên ngơ ngác nghe thuyền máy ngược xuôi sông Đà
Ới Pi Noong ơi !
Một niềm tin phơi phới ta theo Đảng cùng đi lên
Cả Quỳnh Nhai quê em đi theo Đảng cùng xây bản Mường”.
Quỳnh Nhai là vậy, có cái ánh nắng trải dài mươn nơi, không chói chang như những ngày hè dưới phố, không nóng nực như thành thị phồn hoa, chúng ấm áp hiền hòa pha lẫn cùng tiết trời Tây Bắc… Nhưng sắc nước của nơi đây còn phải hướng về con sông Đà êm ả, nơi mưu sinh cho những dân thả lưới quanh năm. Tất cả không còn được thể hiện qua tranh vẽ, bức hình mà chúng đã được chuyển thể sang từng âm trầm da diết, từng thanh bổng rộn vang, khiến cho cuộc đời ngày một thêm vui để biến Quỳnh Nhai trở thành điểm đến của những người đam mê xê dịch.
Nếu như “Quê em bên sông Đà” thôi thúc người đến thăm thì “Quỳnh Nhai quê tôi” lại có thể lưu giữ được bước chân của người đã đến. Hơn thế nữa “Thơ tình của núi – Chào Sơn La hay Phố núi tình yêu” còn dẫn đường cho những người phương xa tìm đến nơi huyền thoại được sinh ra, chốn đó chính là địa điểm của huyện Quỳnh Nhai cũ, nhưng khi dự án hồ thủy điện Sơn La hoàn thành thì cả khu vực đã bị nhấn chìm sâu dưới nước.
Không một ai có thể đoán trước được mảnh đất nơi đây sẽ bị biến đổi thế nào trong vài năm sắp tới, ừ thì các nhà đầu tư ngó ngàng đến thăm, ừ thì các nhà làm chương trình cũng dần dần tìm đến, nhưng xin hãy để lại một chút hoang sơ, một chút tự nhiên và bình yên trên mảnh đất này.