==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc lại có một hay nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc. Phần 1, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn một số lễ hội truyền thống không thể bỏ qua : lễ hội hoa ban, lễ hội cầu mưa và ngày tết Xíp Xí. 

Lễ hội Hoa Ban

Hàng năm, cứ vào dịp tháng hai âm lịch, thời tiết bắt đầu nắng ấm sau những cơn mưa xuân, hoa Ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc, hứa hẹn một mùa màng bội thu trên các nương rẫy và trên các khu vườn.

Hội hoa Ban mở ra cũng là thời kỳ lúa chiêm đang độ gặp mưa xuân, xanh mơn mởn trên các cánh đồng lúa nước.

Lế hội Hoa Ban (hay còn gọi là lễ hội Sên bản, Sên mường) là lễ hội cầu mưa, cầu phúc cho bản, mường của đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội thường được tổ chức vào mùng 5 tháng 2 âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở trắng núi rừng Tây Bắc. Theo quan niệm của người Thái, hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu, mà còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn.

Hoa ban Mộc Châu

Từ sáng tinh mơ của ngày hội, tiếng trống, tiếng chiêng âm vang khắp núi rừng. Các bếp nhà sàn bập bùng lửa đỏ: đồ xôi, luộc gà, thái măng; có nhà mổ lợn bày cỗ. Rượu cần từng vò lớn, vò nhỏ được bê ra chuẩn bị đãi khách. Những chàng trai, cô gái áo quần, khăn váy chỉnh tề, rủ nhau đến những cánh rừng có nhiều hoa ban nở. Họ chọn những cành hoa đẹp nhất để tặng người yêu và biếu bố mẹ.

Lễ Hội Hoa Ban

Nếu như lễ hội Sên bản (2 năm/ lần) chỉ diễn ra trong phạm vi của bản, mục đích là "cầu thần phù hộ” và cúng "rửa lá, xua đuổi thần trùng”, ít tổ chức các trò vui, thì lễ hội Sên Mường (3 năm/ lần) lại được tổ chức rất to, thu hút nhiều người tài giỏi của toàn mường tham gia. Lễ hội Sên mường diễn ra trong ba ngày. Phần lễ tưng bừng, trang nghiêm, thành kính với đám rước và lễ cúng tế trời đất, các thế lực siêu nhiên. Phần hội chiếm phần lớn thời gian với các cuộc thi bắn súng hoả mai, cung nỏ, ném còn, chọi gà,… Đặc biệt, trong tiếng trống tiếng chiêng tưng bừng của ngày hội, vòng người múa xoè hầu như diễn ra liên tục, tưởng như không ngừng nghỉ. Đối với nam, nữ thanh niên trong mường, đêm cuối hội là đêm vui nhất. Giữa khung cảnh thơ mộng của núi rừng, các cuộc thi hát giao duyên hoà cùng tiếng khèn, tiếng sáo kéo dài cho đến tận khuya. Từ cuộc vui này, nhiều mối tình chớm nở và biết bao đôi trai gái nên vợ - chồng. Vì thế, đêm cuối cũng là đêm để lại nhiều kỷ niệm nhất.

Lễ hội cầu mưa của người Thái

Nếu nói về lễ hội, có lẽ lễ hội cầu mưa của người Thái họ Lường ở bản Nà Bó 1, Mộc Châu, Sơn La là một trong những lễ hội không nặng về hình thức biểu diễn, gửi gắm nhiều thông điệp cho các thế hệ con cháu về bảo vệ và tôn trọng môi trường sống.

Là lễ hội mới chỉ được phục dựng lại đầy đủ từ năm 2011, nhưng thực tế, năm nào cũng vậy, bà Lường Thị Chức, năm nay đã 95 tuổi cũng làm 1 lễ cúng nho nhỏ tại nhà để cầu mưa. Theo bà Chức kể, bà vốn là con của thầy cúng của bản. Ngày xưa, năm nào cũng vậy, thầy cúng là người chịu trách nhiều cầu mưa, mong cho dân bản có được một năm bội thu. Do là một dòng họ lớn, có uy tín ở bản nên người dòng họ Lường thường được đứng ra tổ chức lễ hội này.

Chuẩn bị cho nghi lễ cầu mưa

Trước ngày diễn ra Lễ cầu mưa, người Thái ở bản Nà Bó không kể lớn bé, già trẻ, trai gái làm vệ sinh sạch sẽ chỗ ở. Thông điệp của họ muốn gửi đến ông Then rằng, họ đã sống tốt và biết bảo vệ những gì ông Then ban tặng. 

Đối với người Thái ở bản Nà Bó, lễ hội cầu mưa là dịp trọng đại nhất trong năm. Từ đêm trước ngày diễn ra lễ hội, mọi người đã chuẩn bị chu đáo, quần áo sạch sẽ, nhà cửa gọn gàng và thể hiện thái độ nghiêm túc.

Chuẩn bị cho nghi lễ cầu mưa

Công việc chuẩn bị đồ cúng thường do phụ nữ đảm nhận. Đồ cúng không quá cầu kỳ mà là những đồ ăn thường ngày của bà con người Thái. Đó là măng đắng, chuối xanh, cơm lam, cá xông khói, bánh trưng, bánh ít uôi, gạo nếp, gà luộc...

Nghi thức cầu mưa

Trước đó 1 hôm, người dân đã chuẩn bị cây nêu và các vật dụng cho buổi lễ. Những vật dụng này cũng rất gần gũi với người dân hoặc có liên quan đến việc truyền tải thông điệp từ người dân đến ông Then (ông trời). Có thể bắt gặp hình ảnh những dụng cụ nông nghiệp thu nhỏ như cầy bừa, cối giã gạo được làm bằng gỗ. Đồ ăn hàng ngày của người Thái như cây củ mài, bầu bí, trứng, ngô... Hay các con thú được kết bằng nan như ve, chim (con vật được cho là truyền tải thông điệp của con người đến ông Then). Có một vật không thể thiếu trên cây nêu là một biểu tượng giống như hình mặt trời được đan đơn giản 1 nong bằng tre. Theo thầy cúng cho biết, biểu tượng này do một bà góa thực hiện với mục đích thu hút sự chú ý của ông Then. Trong trường hợp có gì sai sót, ông Then nổi giận, bà góa sẽ là người sẵn sàng hi sinh để đỡ mọi sự giận dữ của ông Then

Tết Xíp Xí của người Thái

Theo tục của người Thái và các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày- Thái như: Tày, Nùng, Giáy (trừ Thái Đen), ngày 14 tháng 7 âm lịch là Tết Xíp Xí, trong mâm lễ cúng nhất thiết phải có thịt vịt để cho cái xấu, cái hạn theo con vịt đó trôi đi.

Ở Việt Nam, người Thái có số dân hơn một triệu người, chia làm hai nhóm: Thái Đen (Táy Đăm) và Thái Trắng (Táy Khao). Đồng bào sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi Tây Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Người Thái trắng có Tết Xíp xí được tổ chức vào ngày 14 tháng 7 âm lịch hằng năm.Trong Tết Xíp xí, gia đình nào cũng phải có thịt vịt. Tết Xíp xí, gia đình nào cũng buộc phải có vịt để cúng cầu cho mọi người trong gia đình được mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Cầu cho trâu khỏe mạnh, có sức kéo cày làm ra nhiều hạt thóc cho chủ nhà. Theo tục của người Thái và các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày- Thái như: Tày, Nùng, Giáy (trừ Thái Đen), ngày 14 tháng 7 âm lịch, trong mâm lễ cúng nhất thiết phải có thịt vịt để cho cái xấu, cái hạn theo con vịt đó trôi đi. Con vịt là giống ở nước, dòng nước sẽ cuốn trôi đi hết những rủi ro và khó khăn.

Tết Xíp Xí của người Thái - Ảnh 1

Vào ngày này, thịt vịt được cúng ở miếu đầu làng, thịt lợn thì được cúng ở miếu cuối làng. Người Thái Trắng gọi Tết Xíp xí là tết xá tội (nhưng không phải là xá tội như người Kinh vào rằm tháng 7 âm lịch) mà là xá tội cho người sống. Người Thái Trắng dâng lễ vật nhằm tạ ơn ông chủ miếu đã che chở cho cuộc sống của bản làng được mạnh khỏe, may mắn; cầu các thần bỏ qua cho con cháụ các lỗi đã lỡ mắc phải. Sau khi cúng xong, đồng bào thường dùng chỉ buộc vào tay để lấy may. Qua ngày này, họ cởi chỉ buộc vào góc màn mình ngủ. Ngoài ra, theo tục lệ của người Thái, trước khi đi xa hay làm một việc gì đó liên quan đến kiêng kị đều dùng thịt vịt làm lễ vật cúng. Đồng bào quan niệm rằng, thịt vịt là loại thịt kỵ ma.

Tết Xíp xí cũng là dịp để đồng bào bày tỏ lòng biết ơn đối với con trâu, con bò, công cụ sản xuất..., tất cả đều được tắm rửa, lau chùi sạch sẽ và được bày mâm cúng vía với các lễ vật, đặc biệt là thịt vịt, xôi nếp nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng. Tết, chủ nhà được ăn thì trâu bò cũng được liên hoan. chủ nhà nào cũng chuẩn bị sẵn cỏ non từ hôm trước để bồi dưỡng cho Chúng. Sau khi cúng xong, trâu bò sẽ được chủ nhà (thường là các em đã chăn dắt chúng) bón xôi màu trộn muối, đổ chén rượu lên đầu lấy may.

Tết Xíp Xí của người Thái - Ảnh 2

Tết Xíp xí được tổ chức theo từng gia đình, có nơi theo dòng họ và tùy theo từng hoàn cảnh gia đình mà tổ chức to, nhỏ khác nhau. Dịp này, gia đình nào càng mời được nhiều bà con, khách khứa đến dự càng may mắn. Người Thái Trắng dù đi xa, nhưng đến ngày Tết  Xíp xí ai cũng mong muốn về sum họp vui vẻ cùng gia đình.

Những Lễ Hội Đặc Sắc Tại Mộc Châu ( P1 )

Những Lễ Hội Đặc Sắc Tại Mộc Châu ( P1 )
25 2 27 52 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==
bg_right_all
bg_left_all